Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tóm tắt buổi thảo luận về chủ đề "Nhân Hoà"

Collapse
X
 
  • Filter
  • Thời gian
  • Show
Clear All
new posts

  • Tóm tắt buổi thảo luận về chủ đề "Nhân Hoà"

    Người xưa có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Một câu nói đã có từ ngàn xưa nhưng đến nay vẫn vô cùng chính xác. Việc có hội tụ đủ cả 3 yếu tố này hay không quyết định mọi thành bại trong cuộc sống của chúng ta. Song, Mạnh Tử cũng lại đã đúc kết “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà”. Nghĩa là thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người. Vậy yếu tố Nhân Hoà quan trọng như thế nào? Để có những góc nhìn sâu sắc hơn về chữ “Nhân Hoà”, ngày 08/09/2012 lúc 19.00, tại quán trà đạo Panda, chúng tôi đã có một buổi thảo luận nho nhỏ về chữ “Nhân Hoà” này để hiểu hơn “Nhân Hoà” là gì và ứng dụng nó như thế nào trong kinh doanh và trong đời sống vợ chồng.

    I. Nhân Hoà là gì?

    Nhân là con người. Còn hoà ở đây có thể hiểu theo 3 ý: hoà đồng, hoà hợp hay hoà dị.
    1. Chữ “Hoà đồng” có thể hiểu hoà là hoà chung, trộn lẫn; đồng là để bằng nhau, giống nhau. Vậy “Hoà đồng” chỉ sự hoà chung để cùng giống nhau. Đồng có thể nhìn dưới 2 phạm vi là hữu hình và vô hình. Đồng hữu hình có thể thể hiển qua hình dáng bên ngoài, cử chỉ,… còn đồng vô hình có thể thể hiện qua tâm lý, ý thích, câu văn, lời nói,…

    Một số nghệ thuật trong ứng xử, lời nói để có được chữ hoà đồng:
    • Hãy thử nhìn từ góc nhìn của người khác.

    • Hãy nghĩ ta đang muốn được hay đang bị được.

    • Tìm góc nhìn thứ 3 để cả 2 cùng nhìn thấy được.

    • Cùng nhìn cái gốc, không nhìn cái ngọn.

    • Hãy nghĩ vì sao người ta đối xử tốt với người khác mà lại đối xử với mình như vậy?

    • Biết nhận lời trách móc, biết tôn trọng lẫn nhau.

    • Thay đổi những từ ngữ thường dùng, ví dụ như “không” thay bằng “chưa”, “nhưng” thay bằng “và”. Nghiên cứu thêm về NLP để tìm ra những cách nói để hoà đồng cùng nhau.

    2. Chữ “Hoà hợp” có thể hiểu là cùng hoà thuận nhau để không cạnh tranh xung đột. Hoà hợp là cách biến các yếu tố khác biệt thành một cái gì đó dung hợp nhau, không còn sự dị biệt, đối kháng.

    Ta có thể đưa ra một ví dụ ta có chanh thì chua, đường thì ngọt. Theo nguyên tắc thì chua và ngọt là hai chất đối kháng nhau, nhưng nếu cho cả hai chất hoà lại với nhau thì thành một ly nước chanh rất ngon, bổ dưỡng và giải khát.

    3. Chữ “Hoà dị” có thể hiểu theo dịch lý là “Dị lấy đồng mà quy”. Mục đích ta tìm điểm chung để cùng hoà. Ứng dụng cho chữ hoà dị thường dùng để cảm hoá một ai đó. Một chiến thuật có thể áp dụng trong trường hợp này là chiến thuật uốn măng. Ta cứ thuận theo trước, sau đó từ từ định hướng lại theo ý muốn của ta. Tuy nhiên, phải lưu ý luôn biết cẩn thận, giữ mình trong tình huống này, không để mất đi chủ đích và trở thành người ba phải.

    Dù là chữ hoà đồng, hoà hợp hay hoà dị thì chữ nhân hoà cuối cùng cũng mang một nghĩa bao quát nhất là mọi người cùng hoà thuận, nhất trí để cùng đạt một mục đích chung.

    II. Chữ Nhân Hoà trong Doanh nghiệp

    Khi Napoleon lãnh đạo quân Pháp đánh chiếm Tây Ban Nha, đoàn quân của ông đi qua một chiếc cầu sắc bắc ngang qua một bờ sông. Như thường lệ, viên sĩ quan chỉ huy hô vang khẩu hiệu 1, 2, 1, 2,… Các binh sĩ cứ bước đều theo hiệu lệnh. Khi họ đi đến gần bờ sông bên kia thì cây cầu bị gãy. Việc cây cầu gãy là do sự cộng hưởng của toàn bước chân của binh sĩ rất đều đặn. Nếu mỗi người bước một nhịp khác nhau thì việc này đã không xảy ra. Điều này cũng tương tự trong một doanh nghiệp, khi tất cả mọi người cùng đồng lòng nhất trí đi đến cùng một mục đích thì sẽ tạo một sức mạnh phi thường, có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi sóng gió.

    Trong Phật Giáo, có một pháp là “pháp lục hoà” là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hoà hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Ta có thể áp dụng sáu phương pháp này trong doanh nghiệp. Lục hoà gồm có sáu điểm sau đây:
    1.Thân hoà đồng trụ: cùng hoà thuận với nhau dưới một mái nhà, trong cùng một phạm vi, một tổ chức. Cũng như ông bà ta có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

    2. Khẩu hoà vô tranh: muốn thân không đánh đạp nhau, không đối chọi nhau thì khi ở bên cạnh nhau thì lời nói phải giữ gìn cho được ôn hoà, nhã nhặn. Trong mọi trường hợp, nhất thiết không được rày la, cãi cọ nhau. Bởi vậy, thân hoà không là chưa đủ. Còn cần phải khẩu hoà.

    3. Ý hoà đồng duyệt: ý là hệ trọng hơn hết vì nó là động cơ thúc đẩy khẩu và thân. Kể công ra thì nó đứng đầu mà kể tội ra thì nó cũng đứng trước. Nếu ý tưởng hiền hoà, vui vẻ thì thân và khẩu dễ giữ được hoà khí. Trái lại nếu ý tứ bất hoà rồi thì thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau thì thân và khẩu khó mà hoà. Đức Phật đã thấu rõ như thế nên Ngài dạy phải có tâm ý vui vẻ, hoà hiệp trong khi chung sống với nhau.

    4. Giới hoà đồng tu: trong một tập thể, nếu không cùng nhau giữ gìn giới điều, kỷ luật, quy tắc thì chúng ta không thể sống chung với nhau được. Vì vậy mà mỗi người cần phải giữ gìn giới luật như nhau.

    5. Kiến hoà đồng giải: trong cuộc sống, mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điểm gì thì phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu. Như thế trình độ hiểu biết mới không chênh lệch, sự tu học mới tiến đều về tinh thần bình đẳng, mới dễ giữ vững giữa những người cùng ở một tập thể.

    6. Lợi hoà đồng quân: khi có tài lợi, vật thực, đồ dùng thì phải chia nhau cùng hưởng, không chiếm làm của riêng. Cũng như câu nói “có phước cùng hưởng có hoạ cùng chia”

    III. Chữ Nhân Hoà trong đời sống vợ chồng

    Ông cha ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Ta sống trong trần thế này, thiên đường cũng là đây mà địa ngục thì cũng là đây. Một gia đình yêu thương đầm ấm là thiên đường dưới thế. Còn một gia đình bất hoà, chia rẽ, ghen ghét nhau thì quả là địa ngục trần gian.

    Ngoài việc áp dụng lục hoà đã nói phần trên, để hoà thuận nghĩa vợ chồng, ta cũng cần nhớ các điểm sau:
    1. Trong vợ chồng, chữ đồng và chữ dị luôn tồn tại cùng nhau. Đồng để có thể ở cùng nhau, còn dị là để có nhau.

    2. Biết yêu thương nhau một cách chân thành.

    3. Luôn nhường nhịn lẫn nhau.

    4. Xác định đâu là những giá trị cốt lõi kết dính mối quan hệ vợ chồng. Các giá trị khác không thuộc giá trị cốt lõi, hãy bỏ qua, đừng xét nét những việc nhỏ nhặt đó.

    5. Phải khiêm nhường, hy sinh, bao dung và quảng đại.

    6. Luôn biết lắng nghe nhau.

    IV. Kết luận

    Xã hội này gặp muôn ngàn cảnh dầu sôi lửa bỏng cũng tại sự bất hoà, từ sự việc nhỏ dần dần lan rộng ra thành lớn. Trong gia đình, anh em không hoà thì tình cốt nhục chia ly, vợ chồng không hoà thì gia nghiệp chẳng thành, con cái không hoà thì gặp cảnh bất hiếu. Trong xóm làng không hoà thì sinh ra kiện cáo, chém giết lẫn nhau. Trong doanh nghiệp không hoà thì dẫn đến tình cảnh phá sản. Trong quốc gia không hoà thì sinh ra giặc giã, loạn lạc, dân chúng lầm than. Nhân loại bất hoà thì chiến tranh tiếp diễn, nhân sinh điêu đứng, suy tàn.

    Chúng ra đã thấy sự bất hoà như thế nào thì mỗi chúng ta phải biết đức tánh nhu hoà là cần thiết như thế nào trong đời sống tập thể. Chúng ta thường nghe nói “Dĩ hoà vi quý”, lấy hoà làm quý. Bốn chữ này tuy giản dị nhưng có một công dụng lợi ích vô cùng.

  • #2
    Bài ghi nhận rất súc tích và có ích, cám ơn Thái Minh Tâm nhiều nhé.

    Comment

    Working...
    X