Dịch lý là gì ?

Ấm trà dịch lý

1/ ĐỊNH NGHĨA LÝ DỊCH-DỊCH LÝ HOẶC LÝ ÂM DƯƠNG:

a/ LÝ DỊCH – DỊCH LÝ:

Tiền Nhân có câu nói về Dịch:

“Dịch, biến dịch dã; Biến dịch, bất dịch dã”

Dịch: là thay đổi, biến đổi, biến hóa….
Bất: là chẳng, là không.
Bất dịch: là không đổi, không thay đổi.

  • Dịch là biến dịch; biến dịch thì bất dịch.
  • Dịch có nghĩa là biến dịch; lẽ biến dịch này thì bất dịch.

Cái gì mang tính chất biến đổi thì gọi là tương đối. (cùng nhau đối, có 2).
Cái gì bất di, bất dịch gọi là tuyệt đối. (tuyệt :dứt, hết, có một không hai).

  • Vậy Biến dịch là tương đối, bất dịch là tuyệt đối.
  • Lý biến dịch là tuyệt đối.
  • Tương đối là tuyệt đối; Tuyệt đối là tương đối
  • Dịch là bất dịch; bất dịch là dịch

☯ Lý Dịch:

  • Lý là lý lẽ, lý luật. Dịch là biến đổi.
  • Lý Dịch là Lý lẽ nói về sự biến đổi của Vạn Hữu.

☯ Dịch Lý:

  • Dịch là biến đổi. Lý là Chân Lý, là lý thật ở mọi thời gian, không gian. Dịch Lý là sự biến đổi có ở mọi thời gian mọi không gian là chân lý nên:
  • Dịch là chân lý
  • Là một Chân Lý đúng ở muôn đời muôn nơi.

b/ THUYẾT ÂM DƯƠNG:

☯ Vạn Hữu ( mọi thứ từ vô hình đến hữu hình) đều đi trong cái Lý Dịch để biến đổi từ chỗ

  • Giống thành ra hơi hơi khác
  • Thành ra hơi khác
  • Thành ra khác
  • Thành ra quá khác
  • Thành ra quá quá khác (chứ không hoàn toàn khác)

Hoặc biến đổi theo chiều ngược lại từ chỗ

  • Khác thành ra hơi hơi giống
  • Thành ra hơi giống
  • Thành ra giống
  • Thành ra quá giống
  • Thành ra quá quá giống (chứ không thể hoàn toàn giống)

=> Tiền Nhân gọi là:

– LÝ ĐỒNG NHI DỊ – DỊ NHI ĐỒNG
– Lý giống mà khác- khác mà giống
– LÝ ĐỒNG DỊ – DỊ ĐỒNG.

☯ Vậy từ chỗ Biến Dịch để từ giống thành ra khác, để từ khác thành ra giống.

Trong trời đất luôn Biến Dịch từ:

– Đồng sang Dị rồi từ Dị sang Đồng.

Đất biến thành viên gạch – gạch thành đất

– Từ một thành ra hai rồi từ hai thành ra một

Một câu nói thành ra hai ý – Từ hai người trở thành một tập thể

– Từ một mà có hai rồi từ hai mà có một

Một trí thông minh có hai sự lợi và hại –Từ hai người mà có một cha

– Từ một là hai rồi từ hai là một

Mình với ta tuy hai là một – Ta với mình tuy một mà hai.

☯ Người xưa đặt tên chung cho hai sự lý Đồng và Dị; Giống và Khác đó là Âm và Dương, rồi gọi là LÝ ÂM DƯƠNG

2/ ỨNG DỤNG CÁC LÃNH VỰC TRONG CUỘC SỐNG:

Tiền Nhân có câu: “Đồng lấy Dị mà luận – Dị lấy đồng mà quy”

– “Đồng lấy Dị mà luận”

+ Trong Tướng Học có câu:

  • “Nhất thanh phá cửu trọc – Nhất trọc phá cửu thanh”
  • “Thanh trung hữu trọc – Trọc trung hữu thanh”
  • “Dị tướng”
  • “Ẩn tướng”
  • “Tâm tướng”: “Tướng tùy tâm sinh-Tướng tùy tâm diệt”

+ Trong tâm lý con người:

  • Trong đời sống hằng ngày của con người khi có những biểu lộ khác thường là cái cần để luận……….
  • Khi đánh giá phẩm chất của con người thì nhằm chỗ khác lạ nổi trội hơn mà luận….
  • Bỗng nhiên trong lòng “bất yên” cũng là vấn đề để luận.
  • Điểm đặc biệt của tâm lý.

+ Trong hiện tượng tự nhiên:

  • Những hiện tượng bất thường khác thường là điểm dị để luận.

– “Dị lấy Đồng mà quy”

+ Khi một cá thể ở xa quê hương (dị) thì có xu hướng đến cộng đồng(đồng)
+ Để bầu một tổng thống (dị) thì phải lấy tập thể (đồng) mà quy.
+ Một tập thể mà có nhiều người lạ (dị) thì tìm chỗ giống nhau (đồng) để trao đổi làm việc………

Định Nghĩa ngắn gọn về Âm Dương:

Âm và Dương là 2 danh từ chung đại diện cho 2 sự lý ( sự lý: cái mà mình đang lý luận đến nó) mà khi so sách lại thì có điểm giống và khác nhau.
Một sự lý bất kỳ nào đều có 2 mặt âm dương giống và khác nhau.
Với định nghĩa này thì mọi thứ từ Vô Hình đến Hữu Hình trong Trời Đất đều là Âm Dương với nhau hết.

☯ Các Cặp Âm Dương rõ nét, luôn có nhau cùng lúc

– Âm nào Dương nấy : Âm Dương đối đãi
Ví dụ: – Kỳ phùng địch thủ – Nồi nào úp vung đó – Rau nào sâu nấy – Nhân nào quả nấy – Mâu với thuẫn – Chấp với Phá chấp
– Cung – Cầu gọi là Âm Dương cung cầu
– Thời gian – không gian (Thời – điểm), Cương – Nhu (Mạnh – Yếu)
– Trước – Sau; Động – Tĩnh; Chân – Giả; Quân tử – Tiểu nhân;
– Chiến tranh – hòa bình; Thiện – ác; Nguyên tắc – bất nguyên tắc
– Giàu – nghèo; Trên – dưới; Trong – ngoài; Vua – tôi; Chủ – tớ; Vợ – chồng
– Cha – con; Hiểu – Biết; Lợi – hại; Trung thành – phản bội
– Hạnh phúc – đau khổ; Ẩn – Hiện; Tiêu – Trưởng

Thanh Từ – Dịch Học Sĩ

You may also like

Leave a reply