HỒ HỮU TRIẾT (Lớp Thái Lâm Sài Gòn)
Âm dương biến chuyển không ngừng, là thời gian, là không gian. Chúng ta sống trong âm dương, biết được lý lẽ của nó thì sẽ sống hòa thuận hơn. Từ lúc có học tử vi, sau đó học thêm cách an sao và bói theo hoàng đạo của Tây Phương, mình đã thấy cái quan trọng của Chu kỳ và vận. Thời buổi đó, vi tính rất là sơ khai nên chỉ có ấp ủ cái mộng đó thôi.
Bước vào Dịch học là bước bước vào Thế giới của Chu kỳ, của chu kỳ này ở trong chu kỳ nọ, của nghĩa này lồng trong nghĩa kia, của nhịp, của nhịp thở, của nhịp của nhạc của lẽ sống.
Học Dịch mình học được cái biến thông. Biến thông là một cách thức, một công thức để sử dụng từ 1 cho đến x vật sự kiện hay gì đó rồi đưa ra một kết quả như giữa số ta có thể dùng những biến thông toán như cộng trừ, nhân, chia, bội số…Như thế có nhiều biến thông, cái biết dùng biến thông nào trong trường hợp nào mới thể hiện cái trình độ suy luận và trình độ trí tuệ
Học xong 64 quẻ là bước vào cấp sơ, sơ đẳng, như sơ sinh là đến vị tế, tưởng là đã xong, mà chỉ là đã xong một đoạn đường, đến bến, biết qua sông thì mới có thể tiếp tục hành trình
Biến thông kế tiếp có thể là:
- Hòa nhịp âm dương, đông tây với một biến thông nào đó;
- 8×8=64-64×64=4096 biến thông mới?
- Tìm cách thức thể hiện âm dương qua 3D, với các kỹ thuật công nghệ cao
Nói chung, học dịch đem lại vừa cái tự do biến thông, các suy tư ẩn hiện, ý thức, có một tầm nhìn vừa xa vừa gần, mà cũng phải có cái so đo sắn đấy, cẩn thận chính xác, suy ngẫm, mềm mỏng. Càng học càng biết càng phải biết gọt tỉa để còn lại cái yếu tố để sử dụng cho đúng.
12/11/2012
Hồ Hữu Triết
——————–
Ngô Thị Kim Trang – Thạc Sĩ Văn Chương – Giám Đốc cty TTNT (Lớp Thái Lâm Sai Gòn)
Kinh dịch được xem như một môn học khó. Không dễ có người cảm nhận được để mà đi đến hết khóa học. Kinh dịch được xem là Tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc, và là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Và học để hiểu đời, hiểu người. Với tôi, khi học Kinh dịch là để hiểu chính bản thân mình. Hành trình đi tìm bản ngã của mình, của cuộc đời để cảm thấy mọi thứ, mọi việc… đã được an bài từ lâu. Bản chất của vấn đề, của vạn vật vốn dĩ đã được sắp đặt từ trước khi vấn đề của chúng ta xảy ra và với tất cả mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống này.
Trước khi học “Dịch”, tôi là một kẻ cầu toàn và khắc khe với mọi thứ, mọi việc, mọi nơi, mọi lúc… và quan trọng là tôi “khắc kỷ” với cả chính bản thân mình, vô hình chung tôi làm cho mọi người, mọi việc xung quanh tôi trở nên nặng nề, mệt mỏi vì phải chiều theo ý mình một cách khiên cưỡng chủ quan mà không quan tâm đến những thực tế khách quan đang diễn ra ngoài ý muốn.
Nhưng khi học Dịch, tôi đã hiểu hơn về những sự việc, những âm thanh, những tiếng nói của vạn vật muôn loài ở xung quanh cũng xoay quanh “lẽ trời” đã được định trước. Những tượng, những quẻ, những hào âm-dương, những mẫu tự đơn giản ‒–, ̶ – gạch ngang hay đứt khúc nhưng lại bao hàm ngàn lới nói cho đời bao ý nghĩa nhân sinh. Tôi rất thấm thía vô cùng sự nhân văn của những hào âm, hào dương mà lẻ đời là vô tận. Cái khó của Dịch lý là sự am hiểu muôn vật theo đúng phạm vi tình lý để hiểu thế nào là quẻ và quan trọng hơn là Luận quẻ như thế nào để hiểu được, để thấy được ẩn ý sâu xa phía sau quẻ đó giúp ta giải tỏa được gì mà ta muốn hỏi,
Thời gian qua, công việc và cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn, những căng thẳng mệt mỏi của áp lực công việc, những nặng nề buồn phiền của gánh nặng gia đình làm tôi như kiệt sức và đôi khi muốn buông xuôi tất cả…
Song đến với lớp Dịch lý tôi như được tiếp thêm năng lượng bởi những nụ cười thân ái, những câu đùa vui khi luận quẻ, những suy tư như được vơi dần vơi dần… Và tôi đã nói vui với mọi người rằng “tôi đi học là để xả stress”. Nhưng đó là sự thật vì sau ngày làm việ căng thẳng, tôi thực sự tìm thấy niềm vui ở lớp Dịch lý dù đã cuối ngày
Quan trọng hơn là tôi đã ứng dụng Dịch lý với việc luận quẻ, lập quẻ khi đi làm việc, gặp đối tác, khách hàng. Tôi đã tự tìm cho mình 1 thói quen là sẵn sàng, chuẩn bị tinh thần (dù là xấu hay tốt) để đón nhận tất cả như một sự hiển nhiên, không quá kỳ vọng để không bao giờ thất vọng, không quá vui để khỏi phải phiền lòng, không đòi hỏi sự hoàn hảo để thấy cuộc đời không bao giờ khuyết, không cầu sự đủ đầy để thấy mình không thiếu thốn.
Tôi đã học được sự chấp nhận từ trong mọi bất hạnh, mọi khổ đau để thấy mình là người hạnh phúc và đủ đầy
Học Dịch lý là để cho mình tìm được sự bình an của tâm hồn và sự cảm nhận về cuộc đời thật tuyệt khi càng học càng thấy mình mãi là người “ngu dốt” mãi kiếm tìm chân lý của cuộc đời khi mọi thứ vẫn đang ở quanh ta
Cảm ơn Thầy và lớp học đã cho tôi tìm được những niềm vui trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Cảm ơn Dịch lý đã cho tôi những công cụ rất hữu ích để có thể điều tiết sự được-mất của mọi việc trong cuộc đời mình
Với tôi, Dịch lý đã thay đổi tư duy và tất nhiên là thay đổi cả cuộc đời minh. Hy vọng từ nay Dịch lý sẽ là người bạn đồng hành cùng tôi đi suốt cuộc sống này. Đó là điều tâm đắc nhất khi đến với Dịch lý.
Ngày 12/11/2012